#155 BÍ KÍP ĐẮP MẶT NẠ GIẤY HIỆU QUẢ

10/07/2017

Xin chào các bạn!

Sheet mask giờ đây đã là một phần không thể thiếu được trong quy trình dưỡng da hàng ngày của rất nhiều bạn. Nhưng có lẽ không phải ai cũng hiểu về sheet mask (công dụng, thành phần, dạng thức ...), biết cách sử dụng sheet mask và cách lựa chọn sheet mask phù hợp. Bài viết hôm nay mình sẽ giải đáp tất cả các thắc mắc ấy để sheet mask thực sự phát huy hiệu quả nhé.

TIPS FOR SHEET MASK




Mặt nạ giấy là một sản phẩm dưỡng da đầy sáng tạo, ở đó người ta “ngâm tẩm” một miếng giấy cotton trong dung dịch dạng serum chứa nhiều dưỡng chất tốt cho da. Chính miếng giấy cotton này ngăn chặn việc thoát hơi nước trên bề mặt da, tạo độ ẩm để dưỡng chất có thời gian thẩm thấu triệt để vào sâu trong da. Mặt nạ giấy được đánh giá là phương thức dưỡng da tiết kiệm, tiện lợi và hiệu quả trong nhịp sống bận rộn ngày nay.


CÔNG DỤNG - THÀNH PHẦN CỦA MẶT NẠ GIẤY

Tác dụng chính yếu đơn sơ mộc mạc nhất của mặt nạ giấy chính là dưỡng ẩm cho da. Cho nên ngoài thành phần chính là nước đóng vai trò dung môi hòa tan và chất dẫn thì trong sheet mask chủ yếu là các humectants quen mặt như:

- Butylene glycol
- Dipropylene glycol
- Gelatin
- Glycerin
- Glycereth-26
- Hexylene Glycol
- Propylene glycol
- Sodium PCA
- Sorbitol
- 1,2,6 hexanetriol
- Panthenol
- Urea
- Hyaluronic Acid
- Sodium Hyaluronate …

Vì tất cả hòa tan trong nước, lại được phủ lên trên lớp giấy mask ẩm nên humectants hút nước thật nhiều và dưỡng ẩm thỏa thuê cho da. Điều này lý giải vì sao sau khi đắp mask da có hiệu ứng căng mọng rõ rệt.

99,99% sheet mask trên thị trường hiện nay có tác dụng dưỡng ẩm thông thường, có khác chăng chỉ là tỷ lệ nồng độ các chất dưỡng ẩm, công thức pha trộn và độ tinh khiết của các chất đó, dẫn đến cảm giác trên da có dễ chịu, thấm nhanh và tác dụng có ngay lập tức hay không mà thôi.

Nhưng công nghệ làm đẹp không dừng lại ở đó, người ta không cam lòng chỉ chấp nhận humectants thuần túy mà dần dần đã bổ sung thêm nhiều chất khác hay ho hơn, mang lại hiệu quả đa dạng hơn cho da. Ví dụ như:

- Tác dụng làm sạch da, trị mụn: các loại acids: glycolic acid, lactic acid, citric acid…, enzyme hoa quả, witch hazel, willow bark extract …
- Tác dụng làm sáng da: licorice, niacinamide, arbutin, vitamin C …
- Tác dụng làm dịu da: Aloe vera, Chamomille, Calendula, chiết xuất rau má, hoa hồng, tảo biển, nhớt ốc sên …
- Tác dụng chống lão hóa: Q10, peptide, collagen …

Tuy nhiên, tỷ lệ các chất này trong mask thường không cao, thời gian lưu lại trên da không nhiều  khả năng thẩm thấu hạn chế hơn nên mình xin khẳng định lại rằng, mặt nạ giấy không thể nào thay thế cho treatment/serum hay ampoule đậm đặc quý giá, càng không thể thay thế cho toàn bộ quy trình dưỡng da nhé. 


Nhưng bạn cũng yên tâm, nếu đắp mask thường xuyên, da đủ ẩm thì tự khắc sẽ bớt mụn, căng mịn và đều màu, sáng khỏe ý mà.


CÁC DẠNG MẶT NẠ GIẤY PHỔ BIẾN

- Dạng cotton/ silk/ charcoal: Là các chất liệu sợi không dệt, không đắt tiền và có khả năng bổ sung độ ẩm cho làn da của bạn. Tuy nhiên, chúng không giữ được nước khiến nước bốc hơi rất nhanh, đặc biệt là các phần viền ngoài nên độ bám không cao, dễ xô lệch.


- Dạng bio- cellulose: (hoặc microbial cellulose ) là một chất xơ tự nhiên có đường kính siêu nhỏ chỉ 20 nanomet được tạo ra trong quá trình lên men, các vi khuẩn hoạt động như "thợ dệt nhỏ", chuyển đổi đường và nhiều chất hữu cơ khác cùng với sợi cellulose tinh khiết để hòa quyện vào nhau tạo thành 1 mảng/miếng rất mềm. Nó cực kỳ "háo nước" và có thể giữ được lượng nước gấp 100 lần trọng lượng khô của nó. Ngoài ra đây còn là chất liệu cực kỳ tinh khiết, vô trùng, không hề chứa độc tố nên còn được sử dụng trong y khoa.

- Dạng hydrogel: Hydrogel là một loại gel ngậm nước tới 99% thể tích do phân tử của chúng ôm được lượng nước nhiều gấp 500 lần kích thước của nó. Hydrogel được sử dụng rộng rãi trong lĩnh vực y tế để băng vết thương, tăng tốc quá trình hồi phục tế bào đồng thời nó hoạt động như một rào cản để bảo vệ vết thương tránh khỏi viêm và sự phát triển của vi khuẩn. Mặt nạ hydrogel không thấm đẫm dưỡng chất mà nó chính là dưỡng chất được hòa cùng gelatin trở thành chính vật liệu mask luôn.

--> Đây là 2 chất liệu mặt nạ cao cấp, đắt tiền. Chúng có dạng trong suốt, mềm mại, ôm sát vừa vặn vào khuôn mặt, làm dịu da, thư giãn, dưỡng ẩm cực cao mà không hề nhờn, bí, dính dớp.

Ngoài ra hiện nay còn nhiều loại mặt nạ có hình thù, chất liệu khá lạ như mặt nạ giấy thiếc (foil) có "dát" lớp mỏng chất liệu kín phía trên, hoặc mặt nạ cao su... với mục đích giữ nhiệt, giữ nước để dưỡng chất nằm lại trên da lâu hơn, từ đó thẩm thấu sâu hơn. Ngoài ra sheet mask còn được sản xuất cho nhiều vùng da/ vùng cơ thể khác nhau như mặt nạ môi, bọng mắt, khóe miệng, vùng cằm, cổ, lưng, chân, tay ...


LỰA CHỌN SHEET MASK PHÙ HỢP


Thị trường sheet mask bây giờ phải nói là bao la như sông như bế. Cá nhân mình là người rất rất yêu thích mặt nạ giấy, đã sử dụng qua hàng trăm loại mà vẫn cảm thấy chưa đủ vì mỗi ngày lại có rất nhiều loại mask mới rất hay ho ra đời. Vì thế mà bạn nào mới làm quen với skincare chắc cũng đôi phần hoang mang hoảng hốt không biết nên chọn sao cho hợp.

Tiêu chí đầu tiên và cũng là quan trọng nhất khi lựa chọn bất cứ sản phẩm dưỡng da nào nói chung chứ không riêng gì mặt nạ giấy, đó chính là tình trạng da của bạn. Tình trạng da chứ không phải loại da nhé, vì trang thái da của bạn ở thời điểm sử dụng sản phẩm, mang tính cấp thiết hơn là loại da, vốn được quy định từ trong gene. Điều này càng đúng đối với sheet mask là flash skincare – dưỡng da tức thời.

Ví dụ đơn giản như bạn có làn da dầu, tuy nhiên vì lý do nào đó mà da bạn đang trong tình trạng mẫn cảm, dễ bị nóng, ửng đỏ, nổi mẩn thì lúc này, bạn nên ưu tiên chọn mask có tác dụng làm mát, làm dịu và dưỡng ẩm cho da, hỗ trợ da vượt qua tình trạng hiện thời. Lúc này mà bạn vẫn chọn những loại mask có khả năng làm sạch, kiềm dầu (ví dụ như chứa acid chẳng hạn) thì rất có thể da sẽ biểu tình kinh khủng hơn đó. Khi da đã đi vào ổn định, bạn có thể quay lại lựa chọn sheet mask theo loại da cũng chưa muộn

Ngoài ra, bạn vẫn có thể lựa chọn mặt nạ dựa trên các tiêu chí khác nhau tùy hoàn cảnh mỗi người. Nếu đi du lịch, ưu tiên chọn những loại lành tính, 2 hoặc 3steps để đơn giản hóa routine. Hoặc trước những sự kiện lớn, bạn có thể chơi sang chọn chất liệu bio-cellulose đắt đỏ hơn chẳng hạn 


SỬ DỤNG SHEET MASK ĐÚNG CÁCH

Cách sử dụng mặt nạ giấy rất đơn giản:
- Làm sạch da mặt và tay
- Gỡ bỏ các phần giấy đỡ bên ngoài mask
- Nhẹ nhàng áp mặt nạ lên da, cân chỉnh cho vừa khuôn mặt
- Thư giãn trong vòng 15-20 ph chờ mặt nạ thẩm thấu
- Gỡ mặt nạ ra (có thể rửa lại hoặc không) rồi tiếp tục các bước skincare khác

1. Tần suất - Số lượng

Có một câu hỏi lớn về việc sử dụng sheet mask bao nhiêu là đủ. Mình sẽ trả lời ngắn gọn như sau: Tần suất và số lượng đó phụ thuộc vào nhu cầu của da và tính chất của mặt nạ:

- Những trường hợp có thể đắp mặt nạ hàng ngày: da hấp thụ tốt, hoặc trong giai đoạn cần "tăng tốc" phục hồi, cá biệt nếu như đi vào vùng thời tiết khô, môi trường thay đổi bạn có thể đắp mask tới 2 lần/ngày. Trường hợp mask cung cấp dưỡng chất vừa đủ, kết cấu lỏng nhẹ, thấm nhanh không nhờn dính, không chứa acid hay các hoạt chất mạnh gây kích thích da cũng có thể sử dụng mỗi ngày

- Những trường hợp nên đắp mặt nạ thường xuyên: Nếu da bạn vốn không có quá nhiều nhu cầu hay vấn đề gì, việc đắp mask chỉ là duy trì thì tần suất hợp lý là khoảng 3-4 lần/tuần

- Những trường hợp nên đắp mask có chọn lọc: Da có quá nhiều mụn, có vấn đề thuộc về bệnh lý, da sau trị liệu (peel/lăn kim/laser ...) da có vết thương hở thì cần hết sức kỹ càng chọn lựa chất liệu và thành phần. Ưu tiên chọn vật liệu mask lành tính, không gây hại cho da như hydrogel hay bio-cellulose.


2. Thứ tự sheet mask trong routine

Như đã phân tích về thành phần và công dụng của sheet mask như đã nói ở trên, bạn có thể hiểu đắp mặt nạ là một hình thức dưỡng ẩm cơ bản cho da, vậy nó có thể được xếp chung nhóm tác dụng với essence- lotion- serum tức là thứ tự trong routine cũng giống các sản phẩm này và tuân theo quy tắc kết cấu lỏng -> đặc. Tức là routine như sau:

Làm sạch - Toner - Sheet Mask - Serum - Cream

Nếu dùng sheet mask như một bước dưỡng da thông thường, thì sẽ dùng trước hay sau treatment???

Về lý thuyết, thứ tự các bước dưỡng da sẽ theo kết cấu từ lỏng --> đặc, độ pH từ thấp --> cao. Theo đó, các dung dịch tẩy da chết hoá học có chứa acid (AHA, BHA...) hoặc vitamin C, A, B, Retinol ... được khuyên dùng ngay sau bước toner để có thể thấm trực tiếp lên da, phát huy tối đa tác dụng mà không bị ảnh hưởng bởi độ pH của các sản phẩm khác. Điều này cũng phù hợp nếu bạn nào sau đó đắp sheet mask rồi để nguyên, không lau/rửa lại. Khi đó thứ tự routine là:

Làm sạch - Toner - Treatment - Sheet Mask - Serum - Cream

Tuy nhiên trong môt vài trường hợp sheet mask sau khi đắp xong lại dấp dính trên da, bắt buộc bạn phải rửa hoặc lau bớt đi thì e rằng sẽ lau đi cả phần treatment trước đó. Vậy nên mình chọn cách đắp sheet mask ngay sau khi rửa mặt xong, để tạo một nền tảng da ẩm trước, rồi mới sử dụng treatment. Cách này có thể làm giảm 1 CHÚT tác dụng của treatment (có thể thôi nhé vì các hoá chất tương tác ntn với nhau rất khó để kiểm chứng trên từng điều kiện da khác nhau). Nhưng bù lại da ẩm sẽ giúp giảm kích ứng, da sẽ khỏe mạnh hơn đấy ạ. Thứ tự routine lúc đó sẽ là:

Làm sạch - Toner - Sheet mask - Treatment - Serum - Cream

Ngoài ra, còn một câu hỏi mà mình thường xuyên nhận được đó là: Đắp sheet mask xong có cần các bước dưỡng da sau đó như serum hay cream không???

Điều này cần rất nhiều sự linh hoạt của bạn. Thứ nhất, nếu trong thành phần của sheet mask có chứa emollients và occlusives như collagen, elastin, castor oil, cyclomethicone, dimethicone, cetyl alcohol, lanolin alcohol, stearyl alcohol, squalene, oil ... và đặc biệt là propylene glycol ở nồng độ tương đối cao 1 chút thì có thể tạo một lớp màng vật lý ngăn chặn sự thoát hơi nước qua da, giữ lại được độ ẩm lâu hơn. Thứ hai, quan trọng hơn là cảm nhận trên da của bạn, nếu đã cảm thấy "no đủ" mềm ẩm, xài mask xong da không khô ráo quá đến mức bị căng, hay các vùng LCL không há miệng đổ dầu thì có lẽ bạn không cần thêm kem dưỡng nữa đâu.

Đọc thêm về các thành phần dưỡng ẩm ở LINK NÀY

Nhân tiện gần đây có nhiều nghi ngại về thành phần butylene glycolpropylene glycol, nói nó độc hại, xài nhiều bào mỏng da bla bla thì mình xin khẳng định các chất được đưa vào mỹ phẩm đều đã được quy định và kiểm duyệt về nồng độ/liều lượng đủ để không gây hại cho cơ thể và làn da rồi, chỉ cần bạn chọn mua mỹ phẩm uy tín, có thương hiệu, đừng ham mỹ phẩm handmade không rõ nguồn gốc là được.


3. Tips đắp sheet mask hiệu quả

- Đắp khi da hoàn toàn sạch: Tưởng tượng 1 đống chất dưỡng ẩm thế kia, quyện với cũng 1 đống bụi bẩn dầu thừa trên da @.@ Thôi thôi k nghĩ nữa >"<

- Đắp khi da còn ẩm: Đầu tiên, dùng chính serum thấm đẫm trong mask bôi một lớp mỏng lên da. Nhẹ nhàng áp miếng mặt nạ vào và điều chỉnh sao cho vừa vặn với khuôn mặt. Sau 15-20 phút, ta sẽ gỡ miếng mask ra, VẮT KIỆT PHẦN SERUM và dùng chính serum đó tiếp tục thoa lên da. Cứ lần lượt từng lớp từng lớp như vậy cho đến khi hết serum. Sẽ hơi mất thời gian một chút nhưng bạn sẽ không lãng phí một giọt tinh chất quý giá nào cho da.

- Đắp mặt nạ xong có rửa hay không? Dấp dính quá thì phải làm sao?

Đa phần các loại sheet mask hiện nay đều là dạng không rửa lại với nước. Nhưng khí hậu Việt Nam, đặc biệt là mùa hè khiến điều này không khả thi, lớp serum đó khô dần sẽ dấp dính khó chịu trên da. Cách khắc phục là dùng LOTION MASK hoặc XỊT KHOÁNG. Sau khi dùng sheet mask, bạn tiếp tục đắp lotion mask trong khoảng 3 phút (nhớ thấm thật đẫm nhé) rồi dùng mask lau nhẹ toàn bộ gương mặt. Hoặc có thể dùng xịt khoáng xịt ướt da rồi dùng tay vỗ nhẹ. Bằng cách này, chúng mình sẽ vừa lau bớt được lớp serum dấp dính mà không cần rửa lại với nước, giúp bảo toàn độ ẩm và dưỡng chất cho da.

Đọc thêm về lotion mask Ở ĐÂY

- Đắp mặt nạ trong thời gian bao lâu? Thường trên bao bì sản phẩm hướng dẫn là đắp trong vòng 15- 20 phút tuy nhiên thực tế mình chừng đó thời gian vẫn chưa đủ để serum trong mask thẩm thấu hết, nên mình thường đắp tới khi miếng mặt nạ hơi se se lại. Hơi thôi nhé đừng để mặt nạ khô cong kẻo hút ẩm ngược là công toi đấy ;) Một số loại mặt nạ đặc biệt như Quality 1st mask (REVIEW) hoặc bio-cellulose thì đắp tới khi khô hoàn toàn lại hiệu quả và dễ chịu hơn, hoặc cá biệt hơn là mask đắp nhanh như Saborino (REVIEW)

- Da bị mụn có thể đắp mặt nạ hay không? Có thể đắp những mask không chứa quá nhiều thành phần dưỡng ẩm, kết cấu serum lỏng, thấm nhanh, không dính bí hoặc mask hydrogel/bio-cellulose.  Mask có thêm tinh chất hỗ trợ trị mụn, làm dịu da, kháng viêm thì càng tốt. Trừ khi mụn mủ viêm quá dày đặc thì bạn nên trị mụn trước 

- Da mới nặn mụn, vết thương hở thì nên tránh, hoặc dán miếng dán mụn để che miệng là đắp thoải mái hà =))

4. Bảo quản mặt nạ

Giống như các sản phẩm dưỡng da khác, mặt nạ cũng cần được bảo quản ở nơi thoáng mát, tránh nhiệt độ và ánh sáng trực tiếp. Một số loại mặt nạ của Nhật được đóng gói chung vào 1 túi zip thì sau khi mở cần được lưu trong ngăn mát tủ lạnh để tránh vi khuẩn sinh sôi và nên dùng hết trong vòng 1 tháng. Các loại mặt nạ đóng riêng 1 miếng/túi thì giữ trong tủ lạnh cũng tạo cảm giác mát lạnh sảng khoái, thư giãn khi đắp. 

Khi lưu trữ sheet mask bạn nên đặt nằm túi, nếu dựng đứng thì trước khi xài nên bóp nhẹ để serum thấm đều ra toàn bộ miếng mask, tránh chỗ thừa chỗ thiếu

MỘT VÀI HIỂU LẦM THƯỜNG GẶP VỀ SHEET MASK

1. Mặt nạ có thể thay thế toàn bộ quy trình dưỡng da? Mặt nạ có thể trị nám/ trị thâm/ trị sẹo rỗ bla bla???  

Không, ngàn lần không. Thế thì những tập đoàn mỹ phẩm lớn bỏ công nghiên cứu ra các sản phẩm mới để làm gì? Như đã phân tích thành phần ở trên, sheet mask chỉ có tác dụng chính là dưỡng ẩm, trong khi 1 làn da có rất nhiều nhu cầu: làm sạch, dưỡng sáng, chống lão hóa ..., cho dù các thành phần tinh túy có được thêm thắt vào nhưng với nồng độ thấp như vậy nó không thể có hiệu quả rõ rệt trên da như treatment hay serum mà chỉ có thể hỗ trợ phần nào cho các sản phẩm đó mà thôi. Vậy nên việc mặt nạ có thể thay thế cho đặc trị để trị nám, trị thâm, trị sẹo, hoặc thay cho toàn bộ skincare routine dường như chỉ là viễn tưởng mà thôi

2. Đắp mặt nạ quá nhiều gây thừa chất, sinh mụn, gây mỏng da?

Đây cũng là băn khoăn phổ biến của nhiều bạn khi mới bắt đầu dưỡng da vì nghe "ai đó" đã nói vậy. Việc đắp quá nhiều mặt nạ gây thừa chất, bí da dẫn tới nổi mụn là có thật trong trường hợp bạn không đảm bảo đủ các bước làm sạch da kỹ càng trước đó, cộng thêm loại mặt nạ có kết cấu bết dính khó thấm. Các dưỡng chất không thẩm thấu được vào da (hoặc thẩm thấu nhưng quá nhiều, bị thừa) vẫn còn đọng lại kết hợp với dầu thừa và bụi bẩn làm thức ăn cho vi khuẩn mụn. Để khắc phục điều này, bạn cần chọn lại cho mình 1 loại sheet mask khác, đồng thời chú trọng làm sạch da thêm nhé

Còn việc đắp mặt nạ gây mỏng da thì mình khẳng định là không có đâu nhé. Ngay cả khi mặt nạ chứa acid nhưng ở nồng độ nhẹ cũng chỉ hỗ trợ loại bỏ lớp tế bào sừng già cỗi mà thôi. Tuy nhiên nếu bạn chỉ phó mặc làn da của mình cho mỗi sản phẩm sheet mask mà không có thêm các bước khác thì nguy cơ da xấu đi là có thật nha ;)


3. Mặt nạ đắt tiền là tốt, rẻ tiền không tốt?

Cũng quan điểm này, dành cho các sản phẩm dưỡng da khác nữa, mình cho rằng chất lượng của sản phẩm chỉ có thể kết luận dựa trên trải nghiệm cá nhân của mỗi người, không hoàn toàn phụ thuộc vào giá cả và thương hiệu. Không có sản phẩm tốt hay không tốt, chỉ có hợp hay không hợp. Tuy vậy, dưỡng da là một quá trình bền bỉ mỗi ngày, bạn cũng nên chọn những sản phẩm nào hợp với túi tiền của mình để có thể sử dụng lâu dài. Nhưng cũng đừng vì ham rẻ mà lựa chọn sản phẩm trôi nổi, tệ nhất là mua hàng fake nhé 

4. Mặt nạ cực kỳ an toàn, không gây kích ứng? 

Sự thật là chẳng có gì tuyệt đối cả. Việc dị ứng, kích ứng rất random và khó có nguyên nhân cụ thể. Mong bạn hết sức cẩn trọng, có thể patch test nếu cần. Còn nếu có tiền sử dị ứng chất nào đó thì nhớ tuyệt đối tránh xa nhaaaa


Mời các bạn tham khảo review các loại mặt nạ giấy mình từng dùng ở đâyở đây nữa


xoxoxoxoxoxoxoxoxoxoxoxoxoxo



Bánh bèo phù phiếm

Email: banhbeophuphiem@gmail.com
Instagram: @banhbeophuphiem

You Might Also Like

0 nhận xét