#244 VIDEO *** HƯỚNG DẪN NẶN MỤN ĐÚNG CÁCH TẠI NHÀ

1/01/2020

Xin chào các bạn!

Chúng ta ai cũng từng ít nhất 1 lần phải đối phó với mụn. Nhẹ thì tuổi dậy thì có vài cái trứng cá, lớn hơn thì mụn nội tiết sưng viêm, chưa kể mụn đầu đen triền miên không dứt. Thừa nhận đi, việc nặn mụn đầy đau đớn nhưng cũng vô cùng sung sướng khiến chúng ta không thể ngừng tay được. Nếu đã như vậy, thì chi bằng chúng mình học cách nặn mụn tại nhà sao cho ít đau, an toàn và không để lại sẹo nhé.

1. Mụn như thế nào thì có thể tự nặn tại nhà?


Không phải loại mụn nào chúng mình cũng có thể tự xử lý đâu. Các bạn nên tránh tự nặn các loại mụn lớn, sưng đau như:
- Mụn nang: Là loại mụn u lên 1 cục cứng, không thấy lên đầu mủ nhưng đau nhức rất lâu
- Mụn boc: Là mụn chồng lên mụn, hoặc nhiều cái mụn chụm đầu vào nhau, đỏ và rất to
- Mụn đinh râu: là mụn mọc ở những vị trí nhạy cảm, như chân cằm, nhân trung là vùng huyệt quan trọng nếu nặn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe



Ngoài ra thì mụn ẩn mình cũng không khuyến khích tự nặn ở nhà vì 1 là số lượng nhiều, thường là ở vị trí khuất như cằm, xương hàm, mình không thể quan sát chính xác qua gương được, 2 là dụng cụ ở nhà cũng như các thao tác tự nặn không được chuyên nghiệp sẽ khiến cho lấy nhân mụn không được triệt để, thậm chí gây tổn thương, để lại sẹo lõm mất thẩm mỹ.

Trong video này thì mình sẽ hướng dẫn các bạn cách nặn 2 loại mụn phổ biến nhất là mụn viêm và mụn nhân nhé.

Mụn viêm là loại mụn khá lớn, nổi rõ lên da, có màu đỏ, sưng, vừa xấu xí vừa đau đớn. Dấu hiệu nhận biết khi mụn chín già và có thể nặn đó là:
- Đầu mủ trắng lớn, lớn chừng 1/2 cái mụn luôn
- Màng đầu mủ căng mọng cảm giác như sắp vỡ, quầng đỏ xung quanh cũng hơi thu hẹp lại chút xíu.

Còn mụn nhân là loại có nhân cứng nằm dưới bề mặt ra, thường nhỏ bằng đầu tăm hoặc nhỏ hơn. Chúng mình sẽ dễ dàng phát hiện ra chúng khi sờ lên da nên tranh thủ lúc rửa mặt nên dùng tay để kiểm tra da nhé. Dấu hiệu nhận biết mụn nhân đã chín và có thể nặn đó là:

- Mụn trồi lên hẳn bề mặt, dùng tay có thể sờ được tầm 2/3 nhân tròn
- Một số mụn sẽ mở miệng lớn, tầm 2/3 kích thước mụn. Nhưng loại mụn này thường nhỏ nên miệng nó cũng nhỏ xíu, chủ yếu là sờ bằng tay và phải nhìn thật kỹ.
- Một số mụn mở đầu từ sớm, phần đầu mụn bị bui bẩn và bã nhờn bị ô-xi hóa chuyển màu đen, gọi là mụn đầu đen. Loại này thì dễ nhìn hơn, các dấu hiệu cũng tương tự, quan trọng nhất là khi thấy đầu đen mở rộng và hơi trồi trồi lên là chúng ta nặn được rồi

Sau khi phát hiện mụn đã chín và có thể nặn được rồi, chúng ta sẽ tiến hành chuẩn bị một số dụng cụ cần thiết

2. Chuẩn bị:


- Xà phòng diệt khuẩn/ nước rửa tay: Nếu dùng tay không để nặn mụn, bạn nhất định phải rửa sạch tay để tránh nhiễm khuẩn vùng mụn hoặc làm lây lan vi khuẩn mụn ra các vùng da khác. Cẩn thận hơn thì đeo găng tay y tế
- Cồn/ betadine dùng để sát khuẩn trong và sau khi nặn
- Tăm bông có thể dùng để ấn mụn, cũng có thể để lau máu và dịch
- Que nặn mụn: Hiện nay trên thị trường có nhiều loại, nhưng mình thấy dễ dùng nhất là loại có 1 đầu  khoen tròn và 1 đầu nhọn. Trong đó đầu khoen tròn để nặn loại mụn đã lộ đầu, còn đầu nhọn sẽ dùng để chọc nếu nó quá cứng đầu

Que nặn mụn gồm 1 đầu khoen tròn, 1 đầu kim nhọn

- Miếng dán mụn là thứ thiết yếu vô cùng giúp bảo vệ miệng vết mụn đang há ra, đồng thời giúp hút dịch, mụn nhanh lành, phẳng, kín miệng và vết thâm bé xíu xiu



Thao tác: Các bạn hãy thử tưởng tượng việc nặn mụn giống như 1 cuộc phẫu thuật, nhưng ở quy mô nhỏ. Nó cũng sẽ làm tổn thương da nên cần vệ sinh tỉ mỉ và thao tác cẩn trọng

1. Đầu tiên hãy cắt ngắn bớt móng tay, tất nhiên là đừng cụt lủn, nhưng nếu dài quá sẽ khó thao tác, không khéo còn chọc phải mụn đau điếng
2. Rửa tay sạch
3. Tẩy trang và rửa mặt thật sạch
4. Lau que nặn mụn bằng cồn hoặc nước sát khuẩn

Giờ sẽ đến màn gay cấn hơn là xử đẹp mụn, mình sẽ show cho các bạn thực tế mình nặn mụn trên da của chính mình mình, nên có thể những hình ảnh sau đây sẽ hơi "không được dễ chịu cho lắm" nha

3. Thao tác:


Đối với mụn sưng viêm: Có thể nặn bằng tay hoặc bằng tăm bông

- B1: Chấm cồn vào vùng mụn

- B2: Chọc vỡ mụn bằng cách dùng đầu kim nhọn, dùng đầu ngón tay, hoặc đầu tăm bông ấn vào cạnh sát đầu mụn trắng. Khi đầu mủ đã vỡ, mủ sẽ trào ra từ đầu mụn, lúc này mình nặn bằng cách kéo phần xung quanh đầu mủ ra phía ngoài, làm đều đặn vòng quanh mụn

- B3: Sau khi lớp mủ đầu tiên đã được nặn -> lau sạch bằng tăm bông

- B4: Tiếp theo, để lấy sạch phần mủ còn sót lại sâu bên trong, tiếp tục dùng đầu tăm bông hoặc ngón tay ấn theo hướng đối xứng nhau vào phía trong (tức là ngược lại với lúc nãy) để nặn hết lớp mủ sâu bên dưới ra. Đối với mụn lớn có thể chảy rất nhiều mủ và huyết dịch, bạn cứ lặp lại tuần tự thao tác này, nhớ là phải thật nhẹ nhàng thôi nhé. Sau khi đã hết mủ mà vẫn chảy máu, chân mụn vẫn sưng to , tụ nhiều máu bên trong, thì bạn có thể dùng ống thuốc nhỏ mắt rỗng, kê phần đầu ống vào mụn, bóp nhẹ ống để tạo lực hút chân không sẽ hút được máu thâm, máu tụ triệt để mà cũng đỡ đau hơn

- B5: Khi thấy mụn chảy ra dịch vàng hoặc máu đỏ tươi, không ra mủ nữa, mụn xẹp bớt phần nào hoặc lộ đầu giống như vết thương hở thì dừng lại, lấy cồn lau vào vết mụn

- B6: Ngay lập tức dán miếng dán mụn vào, kể cả khi mủ chảy ra thì các bạn thay miếng dán mụn khác nhé

- B7: Sau đó bạn tiếp tục skincare các vùng da khác bình thường, tránh dùng treatment nặng, tránh bôi quá sát khiến mỹ phẩm bị dây vào vết mụn.

Lưu ý: Luôn che nắng cẩn thận sau khi đã nặn mụn.

Đối với những bạn bị mụn viêm quá dày, từng mảng chi chít, mụn mới mụn cũ lẫn nhau thì mình khuyên là không nên tự nặn ở nhà mà nên đến trung tâm thẩm mỹ có uy tín và kinh nghiệm để xử lý. Cách này chỉ áp dụng đối với mụn mọc riêng lẻ, thỉnh thoảng xuất hiện thôi nha.

Hãy kiên nhẫn đợi mụn thật chín rồi mới nặn. Nếu nặn non thì vết mụn vẫn còn vi khuẩn, sau này sẽ lại sưng và tụ 1 đầu mụn mới. Mụn tái lại sẽ sâu hơn, to hơn, dai dẳng hơn và có thể để lại thâm hay là sẹo lõm mất thẩm mỹ lắm

Đối với mụn đầu đen, đầu trắng có nhân cứng


- B1: Dùng 1 miếng bông tẩy trang hoặc miếng gạc nhúng nước ấm đắp vào vùng mụn, hoặc xông mặt tầm 5ph trước khi nặn để giúp da mềm, LCL ngậm nước sẽ dễ lấy nhân hơn

- B2: Chọn kích thước đầu khoen của cây nặn mụn tương ứng với kích thước mụn, không quá nhỏ cũng không quá lớn

- B3: Nếu mụn chưa lộ đầu có thể dùng kim châm, nhớ châm thật khẽ, thật nhỏ vừa đủ tạo đường ra cho nhân mụn thôi nhé

- B4: Đặt đầu khoen thật vừa vặn vào đầu mụn sao cho nó nằm trọn vẹn, cân đối trong vòng khoen. Ấn mạnh và dứt khoát, tập trung lực vào phần chân mụn. Nếu ấn 1 lần không ra, bạn đổi hướng lực và ấn thêm 1 lần nữa. Mụn sẽ trồi lên cái "Pực" để lại miệng LCL rộng ngoác, sâu hoắm như miệng giếng

Sau 2 lần ấn mà nhân mụn vẫn không ra, hoặc ngoan cố chỉ trồi lên chút xíu thì bạn nên dừng lại. Nếu mụn đã chín, nhân khô, lớn và dễ long ra khỏi LCL thì thao tác sẽ rất nhẹ nhàng, dễ dàng. Còn nếu gặp khó khăn, tức là nhân mụn vẫn chưa sẵn sàng, bạn cố dùng lực thì nhân mụn sẽ bị nát, bị đứt giữa chừng và tái lại, thậm chí còn bị kích thích chuyển thành mụn sưng viêm nặng hơn đấy

- B5: Lấy nhân mụn ra, dùng tăm bông nhúng cồn lau qua miệng vết mụn.

Đối với các loại mụn nhân sẽ không chảy máu, chảy dịch, cũng không đau đớn về sau nên không cần dán miếng dán mụn hay kiêng skincare, nhưng các bạn cũng vẫn nên thận trọng quan sát các sản phẩm mình dùng nhé

Như vậy là Bánh bèo vừa hướng dẫn các bạn cách nặn 2 loại mụn thường gặp và có thể tự xử lý tại nhà. Nói thật là khi nhìn 1 cái mụn lù lù xuất hiện trên mặt thì ai cũng khó chịu, chỉ muốn xử lý nó luôn. Tuy nhiên BB cũng lưu ý các bạn là phải thật kiên nhẫn chờ mụn chín đủ, trong quá trình nặn cũng phải thật khéo léo, nhẹ nhàng để tránh bị đau và để lại sẹo thâm nhé.

Chúc các bạn thành công và nhớ subscribe channel Bánh bèo phù phiếm để đón xem những video hữu ích nha





xoxoxoxoxoxoxoxoxoxoxoxoxoxo

Bánh bèo phù phiếm

Email: banhbeophuphiem@gmail.com
Instagram: @banhbeophuphiem


You Might Also Like

0 nhận xét