#234 NHỮNG THÀNH PHẦN MỸ PHẨM CÓ HẠI CHO DA

9/03/2019

Cảm ơn các bạn đã vì dòng tít giật gân kia mà bấm vào bài viết này. Thực sự là không có thành phần nào là hoàn toàn có hại cả. Bởi nếu vậy, người ta đã cấm tuyệt đối, chúng không được phép xuất hiện trên thị trường mỹ phẩm luôn. Thế nhưng mỗi khi nhắc đến, xung quanh vẫn luôn có những lời ì xèo, tranh cãi. Vẫn biết mỗi làn da có độ tương thích nhất định, người hợp người không. Nhưng những tội lỗi dồn lên các thành phần này càng ngày càng nặng nề, vô căn cứ, nguy hiểm hơn là reo rắc nỗi sợ hãi cho các bạn mới tập tành skincare. Nên hôm nay Bánh bèo sẽ chia sẻ thêm 1 chút nhận định của bản thân, dựa trên nhiều tài liệu đã tìm hiểu cũng như trải nghiệm thực tế của bản thân nhé



Để kết luận một thành phần là có hại hay không, thực sự phức tạp, đôi khi phụ thuộc nhiều vào cảm tính. Nhưng có một số yếu tố chi phối trực tiếp đến hiệu quả/tác động của một thành phần mỹ phẩm đối với làn da. Đó là:

- Nồng độ
- Độ tinh khiết
- Vai trò của thành phần trong tổng quan công thức pha chế mỹ phẩm
- Cách sử dụng
...

Nồng độ của một thành phần trong mỹ phẩm quyết định rất nhiều đến hiệu quả của sản phẩm đó. Acid cực ít thì chỉ là chất điều pH, nhiều hơn chút là tẩy da chết hóa học, còn cực kỳ nhiều thì sẽ trở thành peeling. Đôi khi có những chất bổ béo, không hẳn cứ nhiều là tốt, ngược lại, những chất được coi như là chưa tốt lắm, dù có nhiều 1 chút chưa chắc đã sai. Ví dụ nhé, niacinamide hay retinoid là một chất toàn năng, nhưng nếu nồng độ quá cao sẽ gây kích ứng cho da. Còn nếu soi kỹ một vài loại treatment, sẽ thấy cồn đứng đầu bảng, vì nó là dung môi, giúp các actives thẩm thấu sâu hơn vào da.

Độ tinh khiết, hoặc phương pháp chiết xuất của thành phần cũng là yếu tố tạo nên sự khác biệt. Dễ thấy nhất là sự so sánh bản Original và dupe. Cùng 1 cái tên, nhưng chẳng phải bỗng dưng 1 thứ có giá trên trời, một thứ lại rẻ đến ngớ người. Các loại dầu dưỡng thì phụ thuộc vào phương pháp ép, các chiết xuất thiên nhiên thì khác nhau ở phương pháp chiết tách, ngay cả các thành phần lên men cũng có loại lên men tự nhiên xịn hơn bla bla... Nói nôm na thì cùng là rượu, nhưng Chivas thì rất khác với Lúa Mới, bạn hiểu rồi phải không ahihi? Cho nên nếu chỉ nhìn 2 bảng thành phần y chang nhau, chưa thể kết luận là mèo nào cắn mỉu nào đâu nha ;))


Cách kết hợp các thành phần với công thức tỉ mỉ, chính xác và bảo mật cao là bí kíp sống còn của mỗi thương hiệu mỹ phẩm. Chả thế mà người ta đổ cả đống tiền vào tìm tòi, nghiên cứu rồi còn đi đăng ký bảo hộ độc quyền các kiểu. Thứ mà chúng ta nhìn thấy chỉ là thứ tự tỷ lệ nồng độ của các chất, còn việc chúng tương tác với nhau ra sao, và tương tác với da như thế nào thì... chỉ có thử trực tiếp mới biết thôi. Nói đơn giản là teamwork phụ thuộc vào sự kết hợp của các thành tố, không phải cứ Avenger là bách chiến bách thắng (mặc dù xịn thật ;))

Thêm nữa, tính chất của một thành phần: tốt hay xấu, hiệu quả hay vô dụng còn phụ thuộc vào cách chúng ta sử dụng chúng. Tia UV gây lão hóa da hàng ngày, nhưng đôi khi da mụn cần nó để diệt bớt vi khuẩn. Tretinoin chống lão hóa siêu phàm, nhưng tham xài nhiều sẽ gây bong tróc, căng rát khổ sở. Cho nên cùng 1 sản phẩm, có bạn xài thì xinh đẹp bội phần, có bạn thì loay hoay, vật vã là vậy.

Cuối cùng, Bánh bèo chỉ muốn chia sẻ ngắn gọn rằng, thành phần là cơ sở ban đầu để nhìn nhận 1 sản phẩm, nhưng nó không phải là tất cả. Đừng chỉ nhìn một góc mà đánh giá toàn cảnh, sẽ giống "thầy bói xem voi". Hãy tỉnh táo trong lựa chọn thành phần, khéo léo trong việc ứng dụng, dần dần bạn sẽ có được kết quả mong muốn.

Còn về những thành phần mỹ phẩm thường xuyên bị săm soi, dè bỉu, bị đưa ra mổ xẻ, tranh cãi tới lui, thì thường xuyên là:
- Cồn
- Mineral oil
- Paraben
- Chất tạo màu, tạo mùi
- Chất bảo quản
- Silicone/Carbomer
- SLS, SLES

 Bạn nào có hứng thú thì mình sẽ viết kỹ hơn nha

P/S: Bài này không có nguồn đâu, đừng hỏi ;)



xoxoxoxoxoxoxoxoxoxoxoxoxoxo

Bánh bèo phù phiếm

Email: banhbeophuphiem@gmail.com
Instagram: @banhbeophuphiem


You Might Also Like

0 nhận xét