#81 CÁCH KẾT HỢP MÁY HADA CRIE VÀO QUY TRÌNH DƯỠNG DA

8/18/2016


Xin chào các bạn!

Nếu các bạn còn nhớ thì cách đây ít lâu mình đã review về máy hỗ trợ làm đẹp HADA CRIE N2000 (link này). Mặc dù máy này có giá không hề thấp nhưng nhờ hiệu quả tốt với làn da nên vẫn rất được lòng các chị em. Tuy nhiên rất nhiều bạn đã mua máy về nhưng lại lúng túng, không biết nên kết hợp máy cùng các bước skincare sao cho hợp lý, đặc biệt là với những quy trình dưỡng da "ngàn lớp" kiểu Hàn quốc. Hôm nay mình sẽ giải thích chi tiết để các bạn hiểu đúng và dùng đúng nhé!






Trước tiên phải nói về các chế độ của máy. Mình xin nhấn mạnh là các CHẾ ĐỘ - Mode chứ không phải các bước nhé. Giống như điều hòa không khí có chế độ làm nóng - chế độ làm lạnh vậy á, không liên quan đến nhau luôn. Một số bạn cứ nghe là  "bước" thì lại mặc định là phải sử dụng tuần tự, lần lượt. Nhưng không phải đâu. Mỗi chế độ có một chức năng khác nhau và bạn có thể sử dụng riêng hoặc kết hợp các chế độ lại với nhau theo thứ tự tùy ý

Chế độ làm sạch - Hot Cleanse Mode


Ở chế độ này, máy sẽ phát ra các ion dương (+) để hút các chất bẩn mang ion âm (-) còn đọng sâu dưới lỗ chân lông mà các chất làm sạch bề mặt không thể loại bỏ. Chế độ này cần được sử dụng sau khi hoàn thành tất cả các bước làm sạch như tẩy trang- rửa mặt- tẩy da chết. Chế độ này cần được dùng với toner làm sạch và bông tẩy trang. Vậy thì lựa chọn toner như thế nào là đúng chuẩn?

- Toner làm sạch có chứa cồn kiểu châu Âu (điển hình là Clinique): mình thực sự cảm thấy nó không phù hợp vì dễ làm khô da. Còn toner nào tuy dán mác Âu nhưng không chứa/ hoặc chứa ít cồn như Simple, Thayers, Melvita... thì vẫn OK

- Toner dưỡng ẩm kiểu châu Á: mình rất ngạc nhiên khi nghe một số bạn nói toner dưỡng ẩm không thể xài với chế độ này của Hada Crie. Bởi vì nếu như Hada Crie áp dụng nguyên lý "trái dấu hút nhau" của các ion thì toner và bông tẩy trang chỉ có vai trò là môi trường truyền dẫn các ion từ sâu dưới da lên tới mặt kim loại máy, cụ thể là đọng lại ở bông tẩy trang. Chứ toner gần như không có vai trò làm sạch gì nữa. Vậy thì chúng ta chỉ cần một loại toner dịu nhẹ, lỏng mượt để "dẫn đường" trôi chảy mà thôi, nhỉ ;)

- Toner có chứa thành phần làm sạch như AHA, BHA: Như mình vừa nói phía trên, toner có chứa acid không giúp da sạch hơn trong chế độ máy này, nhưng nó vẫn lưu lại và ngấm sâu vào da nên vẫn có hiệu quả làm sạch giống như tẩy da chết hóa học. Một vài ví dụ của toner loại này là: Benton Aloe BHA Skin Toner, Mizon AHA&BHA Daily Clean Toner và điển hình nhất là Son & Park Beauty Water mà mình đã review ở đây

- Nước tẩy trang Micellar: Một số bạn cho rằng nước tẩy trang có chứa phân tử mi-xen này nhẹ dịu không cần rửa lai với nước, nếu kết hợp với chế độ làm sạch của Hada Crie thì sẽ sạch-vô-cùng-sạch. Tuy nhiên theo ý kiến cá nhân của mình thì Micellar water dù nhẹ đến đâu cũng là một chất tẩy rửa, tốt nhất không nên lưu nó trên da mà bạn hãy rửa lại với nước cẩn thận trước khi dùng Hada Crie nhé

Có một bước nữa trong quy trình dưỡng da cũng khiến nhiều bạn lúng túng, đó là wash-off mask. Mình xin chia sẻ như sau:

- Đối với mặt nạ có tính chất làm sạch tức thì, điển hình nhất là mặt nạ bùn, đất sét thì đắp mask xong rửa sạch mới xài Hada
- Đối với các loại mặt nạ có tính chất dưỡng, làm sạch bằng acid, enzym, detox, thải độc thì nên dùng sau Hada nhé

Chế độ dưỡng ẩm/ mặt nạ - Hot Moist Up/ Mask Mode


Ở chế độ "dưỡng ẩm", máy sẽ phát ra ion âm (-) để đẩy các dưỡng chất sâu xuống dưới da, bạn dùng với bông cotton hoặc áp luôn mặt kim loại lên da. Mặc dù tên là "dưỡng ẩm" nhưng chế độ này có thể dùng với nhiều bước trong quy trình dưỡng da, miễn là bạn muốn dưỡng chất ngấm thật sâu ;)

Nếu trong skincare routine của bạn có một số loại treatment cần thời gian chờ đợi độ pH thì các bạn sẽ dùng sau khoảng 15-20 phút nhé. Nhưng thông thường mình sẽ dùng chế độ này sau bước serum/lotion/oil vì kết cấu lỏng giúp chạy máy trên da dễ dàng hơn

Còn ở chế độ "mặt nạ", máy sẽ phát ra cả ion âm và dương giúp cân bằng dưỡng chất, phát huy tối đa hiệu quả khi bạn đắp sheet mask. Bạn cũng nên lưu ý chất liệu của mặt nạ nhé. Một số loại mặt nạ hydrogel thì không dùng được với chế độ này đâu. Còn một loại mặt nạ khá là đặc biệt nữa, đó là lotion mask, bạn cũng có thể kết hợp với chế độ này hàng ngày.

Đọc đến đây thì có thể một số bạn sẽ băn khoăn: "Chế độ làm sạch đã dùng với toner rồi, vậy lotion mask có cần thiết nữa không? Và kết hợp như thế nào?" Có cần thiết hay không thì là lựa chọn của bạn. Đối với mình, sau chế độ làm sạch thì da mình khá ráo, mình muốn da ẩm hơn, "đã" hơn nên vẫn tiếp tục dùng lotion mask ngay sau đó (với chế độ "mặt nạ" hoặc không)

Về cơ bản mình thấy cơ chế của 2 chế độ này không quá khác nhau, nên bạn có thể dùng 1 trong hai, hoặc cả hai, chế độ nào trước cũng được. Thông thường nhất là bạn có thể đắp mask - chạy  chế độ "mặt nạ", rồi tiếp tục các bước dưỡng da khác cùng chế độ "dưỡng ẩm". Hoặc đơn giản chỉ là "dưỡng ẩm" vào bước cuối cùng của quy trình. Cứ linh hoạt theo thói quen và sở thích nhé, không cần cứng nhắc quá đâu. 




xoxoxoxoxoxoxoxoxoxoxoxoxoxo

Bánh bèo phù phiếm

Email: banhbeophuphiem@gmail.com
Instagram: @banhbeophuphiem



You Might Also Like

0 nhận xét