#165 TIÊU CHÍ LỰA CHỌN MỘT ĐỊA CHỈ MUA HÀNG TIN CẬY

3/04/2018

Thị trường mỹ phẩm chưa bao giờ hỗn loạn như bây giờ, ngay cả nơi đáng tin nhất cũng không thể tin được. Biết căn cứ vào đâu mà lựa chọn chỗ tiêu tiền bây giờ??? Hôm nay Bánh bèo sẽ chia sẻ cùng các bạn những tiêu chí mà cá nhân mình thường đặt ra khi lựa chọn địa chỉ mua hàng nhé!

(Bài viết (dù không ăn tiền nhưng vẫn) có chứa thông tin PR, quảng cáo trá hình, ai không thích hàng ngon giá tốt có thể không đọc nghen ;)

TIÊU CHÍ LỰA CHỌN MỘT ĐỊA CHỈ MUA HÀNG TIN CẬY

1. Chính thống nhất đó là showroom/store của hãng được phân phối chính thức, đàng hoàng, tử tế:


 Trước đây lâu lâu rồi mình cũng hơi ác cảm với các store mỹ phẩm ở VN vì có 1 lần vào TTTM (P) hỏi mua cây son mà nhân viên bán hàng nháy mắt mời mình mua tester no box nên mình đặt dấu hỏi cho toàn bộ hàng hóa ở đó luôn (may quá TTTM đó đóng rồi hehe). Nhưng đó là thời ngành bán lẻ hóa mỹ phẩm còn chưa phát triển đa dạng, cạnh tranh gay gắt như hiện giờ. Mua ở showroom bạn được pháp luật bảo vệ, giá ở VN giờ cũng same same không chênh nhau quá lớn giữa các thị trường, trừ chênh lệch tỷ giá, chi phí cơ hội và thời gian bay đi bay lại giữa các nước thì bạn vẫn hời ;)) Hơn nữa lại còn được tư vấn tại chỗ, test thử sản phẩm và các chính sách chăm sóc, khuyến mãi, quà tặng đều cập nhật và phù hợp. Việc nhân viên ăn cắp hàng/trà trộn hàng/rỉ tai khách mua riêng chắc không thể nói là không có 100% nhưng giờ quy trình làm việc cũng chặt chẽ hơn nhiều rồi nên nếu bạn không mua những mặt hàng quá đắt đỏ thì cũng chẳng phải lo đâu. 

TTTM mình hay mua nhất là Lotte, cửa hàng tiện lợi Guardians và brand mình hay mua ở showroom nhất là Shu Uemura, Shiseido và Kiehl's. 

2. Các website thương mại điện tử có uy tín: 

Nếu đã theo dõi Bánh bèo từ đầu thì các bạn cũng biết mình yêu thích shopping online như thế nào rồi ạ. Hàng hóa đa dạng, dễ tìm hiểu, thanh toán thuận tiện. Chỉ mỗi tội giá thường hơi đắt và ship chậm mất khoảng 10 ngày- 2 tuần thôi. Các web uy tín thì mình sẽ từ từ giới thiệu trong album này nhé. Tuy nhiên mua hàng online cũng cần cẩn thận cảnh giác, thế giới 8 tỷ dân cũng nhiều trò lừa đảo lắm.
- Nên thanh toán qua trung gian uy tín như Paypal để bảo mật thông tin thẻ.
- Những web uy tín thường có quy mô lớn, tốc độ update hàng hóa nhanh, giao diện thân thiện, chuyên nghiệp, feedback từ khách hàng tốt, chính sách hậu mãi chu đáo
- Các platform kiểu Ebay, Amazon, Taobao... ở Việt Nam thì là Lazada, Tiki, Shopee... thì nên lựa chọn cửa hàng chính hãng. Gần đây có Charis (Hàn quốc) và Prettytips (Việt Nam) cũng là những platform mới, làm việc trực tiếp với hãng nên sản phẩm và giá rất hấp dẫn.

3. Hàng xách tay:

Đây đây chỗ này mới lắm nhiêu khê nè. Yên tâm nhất là tự tay bay đi nước ngoài, cắp nách mang về, không thì nhờ bạn bè người thân. Còn nếu buộc phải chọn 1 trong hàng trăm ngàn shop hàng xách tay trên thị trường hiện nay, thì xin bạn hãy lưu ý những tiêu chí sau:

Tiêu chí 1: Nguồn hàng

Bạn là người mua hàng, thì quan trọng nhất là sản phẩm đúng không? Nếu là một shop bán hàng có tâm, họ phải chắc chắn được về nguồn hàng của mình. Đó có thể là mối tiếp viên quen thuộc, hoặc họ tự mua từ web ship về nhà người thân ở nước ngoài rồi chuyển về nhà. Đặc điểm chung của những shop này là thường chuyên 1 thị trường (Hàn, Úc, Nhật, Pháp...) nếu có đá qua sân khác thì cũng chỉ chút ít, dần dần chứ không thể ùm 1 cái biến thành siêu thị mặt hàng gì cũng có. Các mặt hàng cũng không thể có quá nhiều, bán trong thời gian quá dài với 1 mức giá không đổi (hoặc quá rẻ thì phải nghi ngờ ngay)

Tiêu chí 2: Mặt hàng không tràn lan; có kiến thức, có gu lựa chọn sản phẩm

Chính vì lý do nguồn hàng nên mình thường ưu tiên lựa chọn shop nào có những mặt hàng chủ đạo, không quá đại trà. Nếu chủ shop có kiến thức, biết chọn lọc sản phẩm tốt, độc đáo thì lại càng có bản sắc hơn vì mấy thứ hàng không hot thì cũng ít người làm giả :)) Thứ gì mà cả làng bán ồ ạt cùng 1 mức giá rẻ hãi hùng thì có nguy cơ là lấy cùng 1 kho ạ


Tiêu chí 3: Cách thức vận hành

Việc bán hàng xách tay thường được bắt đầu từ bán online trên mạng, nên các chủ shop thường phải làm rất nhiều việc từ nhập hàng, sổ sách, tìm kiếm mặt hàng, đăng thông tin, trả lời khách ... nên nhiều khi hàng thiếu, quá trình bán xảy ra thiếu sót, chưa được chu đáo với khách. Đây cũng là yếu thế của shop xách tay so với store. Tuy nhiên bù lại giá cả sẽ tốt (tốt thôi đừng tốt quá) và update hàng nhanh hơn. Shop nào mà nguồn hàng dào dạt, sale liên tục, giá shock, có mini size/sample nhiều hàng rổ thì hơi ba chấm ạ.

Việc buôn bán vất vả, lời lãi chưa biết đến mức nào nhưng đã bước chân ra kinh doanh, mình nghĩ ban đầu shop nào cũng muốn làm ăn lâu dài, xây dựng uy tín. Cho nên nếu theo dõi thấy shop nào liên tục cải thiện bản thân, hàng nhập chất lượng hơn, giá ổn hơn, quy trình mua bán thuận tiện hơn thì mình càng thêm tin tưởng rằng họ có đầu tư bài bản, không phải kiểu làm ăn chộp giật hớt váng haha

Tiêu chí 4: Cách xử lý khủng hoảng

Đây cũng là 1 tiêu chí quan trọng để mình lựa chọn đặt niềm tin bởi lúc êm đềm thì ai chả tốt chả hay nhưng lúc có cơn sóng gió mới thực sự kết luận được tư cách nha. Như khi đề cập về nguồn hàng, các shop đều lựa chọn kênh mà mình tin tưởng, nhưng đôi khi niềm tin đặt lầm chỗ nên shop vô tình nhập phải hàng không chuẩn (cận đát, không có bill, hàng trộn, hàng ăn cắp...). Vấn đề là cách xử lý của shop khi sự việc bị vỡ lở ra. Nếu là người làm ăn đàng hoàng, người ta sẽ từ tốn xác minh. Lỗi sai đến đâu khắc phục đến đấy, rõ ràng, với thái độ cầu thị và quan trọng là không để vẩn đề tiếp tục xảy ra. Chuyện này nói thì dễ mà làm khó ghê nha. Vì nếu thừa nhận bán hàng không chuẩn, khách hàng có quyền nghi ngờ TOÀN BỘ hàng hóa trước nay của shop, nhẹ thì mất uy tín, nặng thì bị tẩy chay. Khắc phục hậu quả đồng nghĩ với bồi thường thiệt hại, tức là tốn kém. Thu tiền thích bao nhiêu thì lúc xì tiền ra "ruột đau như cắt" bấy nhiêu. Vậy mới nói, ai dám đi qua "nỗi đau" này thì rất đáng để mình đặt niềm tin thêm 1 lần nữa ạ

Uy tín của shop phụ thuộc vào tầm nhìn và cái tâm của ... chủ shop. Nếu bạn yêu quý shop nào cũng nên để ý chủ shop, tránh trường hợp thay tên đổi chủ mà từ đó triết lý kinh doanh cũng thay đổi theo ;)

Bốn tiêu chí cơ bản trên, là về phía shop. Còn bản thân mỗi người mua hàng, cũng hay trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về sản phẩm, thương hiệu. Để hiểu rằng Elizabeth Arden là thương hiệu high-end truyền thống hơn 100 năm với hình ảnh cánh cửa đỏ huyền thoại trên Fifth Avenue, bán 1 hũ serum 60-70 USD thì không đời nào sale 99% để bạn mua 1 hũ body lotion nửa lít với giá 175k (~5USD). Để hiểu rằng điện thoại có hàng dựng là mua linh kiện vỏ viếc về tự lắp ráp như lego, giày dép có hàng xuất khẩu, xuất dư, quần áo TQXK là hàng Quảng Châu may nhái mẫu nhưng mặc lên người cũng chưa ảnh hưởng đến sức khỏe lắm nhưng nước hoa hải quan dư với máy rửa mặt VNXK thì thực sự gây hại nhãn tiền luôn đó ạ.

Chúc các shop luôn ngày càng nâng cao chất lượng của mình, khách hàng ngày càng thông minh và khó tính, mạng xã hội cũng có sức lan tỏa rất lớn nên nhất cử nhất động đều có thể dẫn tới hậu quả "xa xôi", đừng vì lơ là một phút mà tiêu tan 1 sự nghiệp

Chúc các bạn luôn yên tâm với lựa chọn của mình, để không bao giờ phải xài app check code (app nhảm nhí nhất mọi thời đại) hay bê ảnh lên các hội nhóm hỏi auth hay fake nhé.



Bánh bèo phù phiếm

Email: banhbeophuphiem@gmail.com
Instagram: @banhbeophuphiem

You Might Also Like

0 nhận xét