#97 DẦU DƯỠNG DA - NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT

11/01/2016

Xin chào các bạn!

Còn nhớ khoảng một năm về trước, trong thế giới làm đẹp, từ bước làm sạch, cho đến dưỡng ẩm, từ da cho đến tóc hay móng đều có bóng dáng của dầu dưỡng. Nhưng thực sự bạn đã hiểu rõ về dầu dưỡng da, hiệu quả và cách lựa chọn sao cho phù hợp? Hay là bạn vẫn mang trong lòng những nghi ngại dầu làm bí da, bết tóc, bóng nhờn...??? Bài viết hôm nay sẽ cung cấp cho các bạn cái nhìn cụ thể và chính xác hơn nhé.




1. PHÂN BIỆT KHÁI NIỆM


"Facial oils" là dầu được tinh luyện từ thực vật (thường là các loại hạt) có chứa nhiều chất có lợi như chất béo, vitamin, khoáng chất, các chất chống ô xi hóa ... Nếu sử dụng đúng cách có thể thu được những lợi ích rất lớn trong việc làm đẹp bằng dầu.

Hiện nay, có hai thuật ngữ "facial oils" và  "essential oils" đều dễ bị dịch nhầm thành "tinh dầu". Đành rằng nó đều là những thành phần tinh túy, nhưng về bản chất lại khác xa nhau. "Essential oils" là những tinh chất được trích xuất từ cây cỏ có mùi thơm, không tan và nổi trên nước, thường dễ bay hơi. Ví dụ như khi bạn vò nát một nhánh bạc hà, hoặc khi bạn bóc vỏ cam quýt và ngửi thấy mùi thơm, đó chính là tinh dầu thơm. Bạn sẽ dễ thấy essential oils được sử dụng trong các liệu trình massage thư giãn, xông hơi tại các spa vì nó cung cấp những ích lợi về mặt trị liệu tinh thần cũng như vật lý. Lưu ý là, tinh dầu thơm không được bôi trực tiếp lên da. có thể gây kích ứng, bỏng rát. Muốn sử dụng phải hòa chúng vào một loại dầu nền. Bạn cũng có thể bắt gặp essential oil chiếm một tỉ lệ rất nhỏ hòa trong facial oil để tạo mùi thơm.


2. TÁC DỤNG CỦA FACIAL OILS


Trước khi, nói về tác dụng của dầu đối với da. Mời các bạn đọc lại bài viết về cấu tạo da ở LINK NÀY để hiểu rằng trong da có "dầu". Nôm na rằng tế bào da giống như những viên gạch của bức tường, lipids cùng với NMF - nhân tố tạo ẩm sẽ giống như vôi vừa giúp kết dính thành một khối vững chắc. Ngoài ra, lipids còn là lớp hàng rào bao phủ toàn bộ mặt ngoài tế bào sừng giúp ngăn chặn việc thoát hơi nước và vi khuẩn xâm nhập qua da nữa đó.

Vậy nên, dùng dầu dưỡng da tức là bạn đang bổ sung thêm a-xít béo, củng cố lớp màng lipids bảo vệ da, giúp da khỏe hơn. Vì chứa các phân tử chất béo nên dầu có thể dễ dàng ngấm sâu vào da, hòa cùng với NMF đóng vai trò là emollient giúp liên kết tế bào bền vững hơn, nhờ đó da ẩm, mềm và đàn hồi hơn. Ngoài ra dầu dưỡng da còn chứa nhiều vitamin, khoáng chất và các chất chống ô-xi hóa, ngăn chặn hiệu quả những dấu hiệu lão hóa sớm.


3. PHÂN LOẠI FACIAL OILS


Hiện nay, nếu xét về độ thuần khiết, dầu dưỡng da trên thị trường phổ biến 2 loại chính, đó là:

* Dầu dưỡng da nguyên chất (Pure Oils): Đây là loại dầu tinh khiết được tinh luyện từ 1 loại hạt duy nhất, không hề pha tạp, cũng không chứa chất hóa học

* Dầu pha (Blended Oils): Là loại dầu được pha từ nhiều loại dầu khác nhau hoặc pha thêm các chất tốt khác có thể tan trong dầu như vitamin, retinol, antioxidants... Việc pha trộn này chủ yếu là để tận dụng được nhiều hiệu quả khác nhau từ các thành phần, hoặc để cho có mùi thơm, tăng tuổi thọ của dầu ...

Ngoài ra, còn có thể căn cứ vào phương pháp chiết xuất để phân loại:

* Refined (Hot- pressed): Phương pháp ép nóng, sử dụng nhiệt độ cao để tách dầu Các bạn làm dầu dừa handmade tại nhà thường đun nóng và cô đặc váng dầu, chính là phương pháp này đấy. Dưới tác dụng nhiệt, một số chất có lợi trong dầu sẽ bị phá hủy, thậm chí bị biến đổi thành có hại.

* Unrefined (Cold- pressed): Phương pháp ép lạnh, không sử dụng nhiệt độ cao nên đảm bảo được độ tinh khiết và giữ nguyên các vitamin và chất béo. Phương pháp này được cho là tối ưu để chiết xuất dầu, do vậy giá thành sản phẩm cũng cao hơn.



4. LỰA CHỌN DẦU DƯỠNG DA PHÙ HỢP

Mặc dù có nhiều căn cứ để phân loại dầu, nhưng tiêu chí để lựa chọn loại dầu phù hợp cho từng loại da, lại chính là thành phần có trong dầu. Mỗi loại dầu đều chứa rất nhiều các a-xít béo khác nhau, phổ biến nhất là 2 nhóm: Omega 6 (Lin-Oleic Acid) và Omega 9 (Oleic Acid)

*** Linoleic Acid (Omega 6): Là loại acid béo cực kỳ quan trọng trong lớp màng lipid bảo vệ, giúp tăng cường kết dính tế bào. Dầu chứa tỷ lệ LA cao thường có kết cấu lỏng, nhẹ, có thể thấm sâu, hòa cùng NMF giúp cân bằng dầu- nước cho da, giảm tiết dầu thừa qua tuyến dầu  => phù hợp với da dầu, mụn, LCL to


*** Oleic Acid (Omega 9): Dầu có tỷ lệ OA cao thường dày, đặc, thấm chậm, giúp nuôi dưỡng, làm mềm da, đóng vài trò là occlusive ngăn mất ẩm qua da => Phù hợp với da khô, nhăn, bong tróc, lão hóa

Mình đã tổng hợp tỷ lệ của 2 nhóm a-xít béo này trong một số loại dầu phổ biến, các bạn tham khảo ở bảng này nhé



5. LƯU Ý KHI SỬ DỤNG DẦU DƯỠNG DA


*** Dầu không thể thay thế hoàn toàn các thành phần hay các sản phẩm khác

Làn da của bạn là một cơ quan phức tạp mà không bao giờ có một sản phẩm duy nhất hoặc thành phần thần thánh duy nhất nào có thể có tác dụng hoàn hảo, sửa chữa mọi khuyết điểm. Chính vì vậy trong việc dưỡng da hàng ngày, chúng ta cần tới nhiều bước khác nhau. Hãy coi dầu dưỡng da công bằng như các sản phẩm khác và sử dụng chúng điều độ, hợp lý.

*** Thứ tự sử dụng dầu trong quy trình dưỡng da

Vẫn là nguyên tắc quen thuộc "lỏng trước đặc sau". Nhưng như thế nào là "lỏng" hay "đặc"? Đối với các loại dầu chứa hàm lượng Oleic Acid cao, đóng vai trò là occlusives thì bạn nên dùng nó ở bước cuối cùng của chu trình dưỡng da, thậm chí thay thế cho kem dưỡng ẩm. Còn đối với các loại dầu chứa nhiều Linoleic Acid, thấm nhanh hơn thì bạn có thể sử dụng trước kem dưỡng hoặc trộn cùng kem dưỡng.

Bạn hãy nhỏ vài giọt dầu vào lòng bàn tay, xoa nóng 2 tay với nhau để làm dầu tan và ấm hơn rồi nhẹ nhàng áp vào da để dầu từ từ thấm nhé. Bạn cũng có thể tranh thủ mát xa thư giãn để da hấp thụ tốt hơn, đồng thời làm giảm nếp nhăn. Phần dầu còn sót lại trên tay, bạn có thể tận dụng cho tóc và móng cùng khỏe đẹp.

Click vào ảnh để xem rõ hơn nhé

*** Kết hợp dầu trong trang điểm

Có một tip nhỏ mình muốn chia sẻ với các bạn, đó là bạn có thể mix 1 giọt oil cùng với foundation để có được lớp nền căng bóng kiểu Hàn quốc, hoặc đơn giản là muốn tránh lớp nền khô, mốc. 

Đọc thêm các tips trang điểm cho mùa đông ở đây


*** Chọn lựa dầu 

Cũng giống như các sản phẩm dưỡng da khác, khi lựa chọn một loại dầu, các bạn nên tìm hiểu kỹ về thành phần của nó. Xem nó có tỷ lệ Oleic Acid hay Linoleic Acid cao hơn, có phù hợp với tình trạng da mình không? Dầu nguyên chất hay dầu pha? Nếu pha thì pha chất gì? Một số dầu được pha thêm tinh dầu thơm (essential oils) để tạo mùi hương cho sản phẩm, nhưng thường không quá nhiều. Nếu bạn nhạy cảm với hương thơm thì nên lưu ý nhé.

Ngoài ra, nếu bạn nào cơ địa da dễ lên mụn có thể check thêm Comedogenic Ratings

Bạn nên chọn những loại dầu của những hãng mỹ phẩm có thương hiệu, có uy tín, được chiết xuất từ những loại thực vật sạch, có thể là Organic hoặc Non-GMO (không biến đổi gen). Cách tinh luyện dầu cũng ảnh hưởng đến chất lượng dầu và hiệu quả trên da. Thông thường dầu ép lạnh sẽ giúp bảo toàn các a-xít béo và vitamin trong dầu


Hi vọng là những thông tin của mình hữu ích với bạn nào có ý định muốn dưỡng da bằng dầu. Đừng vì những "lời đồn" mà xa lánh một sản phẩm chăm sóc da cực kỳ hữu hiệu nhé ;)



Nguồn tham khảo:

Wikipedia
Chieclavotinh.blogspot.com
Minimalistbeauty.com



xoxoxoxoxoxoxoxoxoxoxoxoxo

Bánh bèo phù phiếm

Email: banhbeophuphiem@gmail.com
Instagram: @banhbeophuphiem

You Might Also Like

5 nhận xét

  1. Bài viết rất hữu ích. Cám ơn bạn đã chia sẻ kiến thức của mình.

    Trả lờiXóa
  2. Em có thể recommend 1 loại dầu hạt nho giá vừa phải và dễ mua không? Thanks nhiều nha.

    Trả lờiXóa
  3. Bạn cho mình hỏi facial oil nên bảo quản trong tủ lạnh hay ở ngoài? Cảm ơn bạn.

    Trả lờiXóa
  4. Dầu dưỡng da có phải là serum k chị

    Trả lờiXóa