#4 CHỐNG NẮNG

4/08/2015

Không phải là chống nắng, mà chính xác là chống tia cực tím, vậy nên ngay cả khi trời không có nắng cũng phải CHỐNG, CHỐNG VÀ CHỐNG!!!







1. Tia tử ngoại đáng sợ


Còn được gọi là tia cực tím/ tia UV/ UltraViolet. Các tia này không nhìn thấy được bằng mắt thường, xuất hiện cả ngày lẫn đêm miễn là mặt trời còn lơ lửng, với cường độ và mức độ ảnh hưởng khác nhau, nhưng tất cả đều tác động đến con người. Từ 8h sáng đến 4h giờ chiều, các tia này sẽ làm tổn hại nghiêm trọng làn da, gây nên tình trạng nhăn nheo, thâm nám, thậm chí là ung thư da rất khủng khiếp. Còn ngoài khung giờ "cao điểm" này ra thì chúng lại có tác dụng giúp cơ thể tổng hợp vitamin D và canxi.

Có 3 loại tia cực tím: UVA, UVB, UVC








UVC có bước sóng ngắn nhất, không thể xuyên qua tầng ô-zôn nên không ảnh hưởng đến con người
UVB có bước sóng dài hơn, tác động lên bề mặt da, gây ra cháy nắng, đỏ rát, sạm đen
UVA có bước sóng dài nhất, xuyên sâu vào lớp hạ bì, phá hủy cấu trúc của da gây nên những tổn thương nghiêm trọng, làm sậm màu các vết nám, tàn nhang, vết thâm mụn, sẹo, làm giảm độ đàn hồi, khắc sâu thêm nếp nhăn, làm da nhanh lão hóa...

2. Kem chống nắng hoạt động như thế nào?

Theo 2 cơ chế: Phản xạthẩm thấu. Từ đó cũng tạo nên 2 loại kem chống nắng khác nhau





Kem chống nắng vật lý (Sunblock/ Physical Sunscreen):
Khi bôi, kem sẽ hình thành trên bề mặt da một lớp màng chắn, ngăn chặn các tia UV không xâm nhập được vào da theo cơ chế phản xạ. Các bạn cứ tưởng tượng nó giống như một chiếc ô hay một chiếc khiên che chắn cho da vậy
Ưu điểm: Thành phần thường chứa kẽm ô xít và titanium dioxide, bền vững, lâu trôi, lâu phải bôi lại, giá thành rẻ, phổ biến, dễ mua, dễ xài, ít kích ứng.
Nhược điểm: Khi bôi thường tạo nên bề mặt màu trắng hơn da, cảm giác bí, rít, lâu thấm, lâu khô trên bề mặt da.

Kem chống nắng hóa học (Sunscreen/ Chemical Sunscreen)
Khi bôi sẽ hình thành nên một màng hóa học, nhưng không "chắn nắng" mà hấp thụ các tia cực tím, tiêu diệt chúng để chúng không làm hại tới da. Bạn cứ tưởng tượng chúng giống như hàng rào kiểm soát, phát hiện có yếu tố nguy hại là tiêu diệt ngay và luôn.
Ưu điểm: Nhanh thấm, khô thoáng, không phải chờ đợi quá lâu trước khi ra nắng
Nhược điểm: Thành phần nhiều hóa học dễ gây kích ứng, ít bền vững, phải thường xuyên bôi lại.

3. Tiêu chí lựa chọn kem chống nắng?






Chỉ số SPF (Sun Protection Factor) là chỉ số bảo vệ da đối với tia UVB. Chỉ số này có ý nghĩa về mặt thời gian: mỗi đơn vị SPF sẽ "câu giờ" thêm vài phút dưới nắng.
Công thức sẽ là:

SPF x lượng-thời-gian-dưới-nắng-mà-sau-đó-da-bắt-đầu-bị-ảnh-hưởng = Thời gian được bảo vệ
                                              (gọi tắt là t nhỏ)                                              (gọi tắt là T lớn)

Ví dụ:
Bạn mặc áo cộc ra đường, sau 5 phút tung tăng thì da bắt đầu nóng rát, đó chính là t nhỏ
Nếu bạn dùng kem chống nắng chỉ số SPF30 thì: 30 x 5 phút = 150 phút --> bạn có thể tung tăng 150 phút mà không lo da bị ảnh hưởng bởi tia cực tím.

Tuy nhiên công thức này cũng chỉ tương đối. Vì mỗi người có t nhỏ - "lượng-thời-gian-dưới-nắng-mà-sau-đó-da-bạn-bắt-đầu-bị-ảnh-hưởng" khác nhau, thậm chí t nhỏ của mỗi người cũng khác nhau tùy thuộc vào vị trí địa lý, thời tiết, cường độ nắng, mức độ của hiệu ứng đô thị... Vậy nên cùng sử dụng 1 loại kem chống nắng giống nhau nhưng hiệu quả bảo vệ da mỗi người lại khác nhau.




Chỉ số PA là chỉ số bảo vệ da đối với tia UVA, được thể hiện theo số dấu + . Hiện nay trên thị trường đã có loại KCN có PA++++ là cao nhất rồi đấy.

Thông thường, nếu phần lớn thời gian bạn ở trong nhà thì chỉ cần chọn KCN có SPF 30 và PA++ là được rồi

4. Dùng kem chống nắng đúng cách







- Không bôi kem lên vết thương hở, vùng bị bệnh ngoài da
- Luôn bôi kem chống nắng sau các bước dưỡng da và trước các bước trang điểm
- Bôi trước khi ra khỏi nhà tối thiểu 15 phút để KCN kịp thẩm thấu và phát huy tác dụng trên da
- Bôi lại kem sau 2 tiếng ở ngoài nắng
- Bôi 1 lượng đủ nhiều thì kem chống nắng mới phát huy tác dụng.




Cụ thể là:
Đối với KCN dạng kem (rất) đặc: 1 đốt ngón tay cái cho mặt, các diện tích khác trên cơ thể cứ thế nhân lên theo tỷ lệ mặt =))
Đối với KCN dạng kem (hơi) đặc: 1 ngón tay giữa cho mặt
Đối với KCN dạng lotion, sữa lỏng...: 1 lòng bàn tay có diện tích bằng 1 thìa cà phê cho mặt
Nếu thấy lượng KCN như vậy là quá nhiều, quá trắng, các bạn nên chia ra bôi thành nhiều lần, tránh bết bí da.

MỘT VÀI LƯU Ý KHI SỬ DỤNG KEM CHỐNG NẮNG

1. Các sản phẩm trang điểm có tích hợp chỉ số chống nắng: Cần nhưng chưa Đủ.
Đừng quá chủ quan khi nghĩ rằng tất cả đồ trang điểm: kem nền, phấn phủ... đều kèm theo chỉ số SPF có nghĩa là bạn không cần dùng thêm KCN. Bởi vì, thông thường các sản phẩm đó có SPF thấp, chỉ được sử dụng một lượng nhỏ xíu trên mặt, lại còn được apply lớp chồng lớp và ngăn cách với da bởi lớp kem dưỡng ẩm nên không thể thẩm thấu toàn bộ lên da. Giải pháp sẽ là sử dụng kem dưỡng ẩm ban ngày có chỉ số chống nắng sau đó dùng riêng 1 lớp KCN chuyên dụng cho mặt rồi mới bắt đầu trang điểm. Như vậy là làn da đã được bảo vệ toàn diện rồi

2. Bôi kem trên tất cả các vùng da
Đừng quên bôi kem chống nắng vùng cổ, tai, mắt và môi. Nếu bỏ quên vùng cổ, sẽ gây ra hiện tượng mặt trắng cổ đen trông rất dị hợm, thậm chí lâu dần da cổ còn lão hóa nhăn nheo xấu xí lắm ạ :)))) Riêng mắt và môi là 2 vùng da mỏng, đặc biệt nhạy cảm lại càng cần phải bảo vệ. Hiện tại đã có kem chống nắng dành riêng cho 2 bộ phận này rồi. Còn nếu các bạn chưa kịp sắm sửa thì có thể tận dụng son môi / son dưỡng môi/ kem dưỡng mắt có SPF. Sau đó khi ở ngoài trời đừng quên đeo khẩu trang và kính râm nhé! Còn riêng tai thì hơi khó nhỉ? Mình cũng chỉ dám khuyên các bạn nên đội mũ, mặc áo trùm kín tai thôi, vì mình cũng chưa thử bôi KCN vào tai bao giờ cả :P

3. Ở trong bóng râm vẫn cần "chống nắng"
Như mình đã giải thích về tia cực tím, nó xuất hiện mọi lúc mọi nơi kể cả khi trời không có nắng. Ngay cả khi bạn ở trong nhà, trong bóng râm, che ô, đội mũ nón hay mặc quần áo kín, tia cực tím vẫn có thể xuyên qua. Thậm chí nó còn được phản chiếu mạnh hơn trước những mặt phẳng như gương, kính ở các tòa nhà cao ốc, mặt biển, mặt hồ ngoài trời hoặc mặt đường phủ tuyết rộng. Vậy nên ngay cả khi ở trong nhà, bạn cũng vẫn phải dùng kem chống nắng có SPF tối thiểu là 15 nhé. Còn nếu ra đường, sẽ không thừa nếu bạn trang bị thêm quần áo che chắn thật kín. Mặc đồ kín không ai chê xấu nhưng hở mặt ra mà xấu là bị chê ngay đấy ạ :P


Cẩn thận như này này


Mình nhớ có một thời gian, (hình như là) Pond's có quảng cáo rầm rộ một loại kem dưỡng da ban đêm có tác dụng chống cả tia cực tím vào ban đêm. Nghe hơi hoang đường với những người ngoại đạo, nhưng hóa ra lại đánh trúng tâm lý các chị em am hiểu về làm đẹp. Vì theo lý thuyết thì đúng là ban đêm vẫn có tia cực tím thật. Nhưng hãy nhớ rằng các tia này chỉ có hại vào khung giờ cao điểm từ 8h sáng- 4h chiều. Còn những khoảng thời gian khác, chưa ai kiểm chứng được hiệu quả của SPF đâu ;)

4. Đừng chỉ chống nắng vào mùa hè
Mùa hè đến cũng là lúc mà các trang hội, nhóm, diễn đàn sôi sục lên các chủ đề về kem chống nắng. Nhưng xin các bạn hãy cứ sôi sục như vậy trong suốt 365 ngày/ năm, vì có thể mùa đông không có nắng, nhưng mùa nào thì cũng có tia cực tím đấy. Đành rằng là mùa hè nắng nôi ngoài nỗi lo tia UV còn có mối nguy hại từ nhiệt độ cao làm da nhanh lão hóa hơn, các bạn cần phải che chắn cẩn thận hơn để tránh nắng và tránh cả nóng. Nhưng mùa đông ít nắng các bạn lại dễ chủ quan hơn. Nhớ dùng loại kem chống nắng có bổ sung cả thành phần dưỡng ẩm cho mùa đông nhé.

5. Hãy bôi lại KCN sau mỗi 2 tiếng hoạt động ngoài trời.
Vì giống như bất cứ sản phẩm nào bôi lên da, KCN cũng dễ bị trôi đi bởi mồ hôi và nước. Thêm vào đó, các thành phần hóa học chịu tác động bởi nhiệt độ cao cũng sẽ bị giảm dần tác dụng. Nếu hoạt động liên tục ngoài trời nắng gắt, hãy bôi lại KCN sau 2h. Nếu đi bơi hoặc hoạt động mạnh khiến bạn đổ nhiều mồ hôi thì bôi lại sau 1h. Còn nếu không ra ngoài, không vận động nhiều, chỉ cần bôi lại sau 1 buổi.

6. Bôi lại KCN như thế nào?
Tốt nhất là tẩy sạch lớp trang điểm và KCN cũ và bôi lại một lớp mới hoàn toàn. Nhưng có vẻ điều này hơi khó thực hiện vì quá lích kích. Các bạn có thể dùng các sản phẩm trang điểm có chứa SPF để touch up lại lớp make up. Thôi thì "méo mó có hơn không" vậy. Riêng mình, với những ngày bình thường, tức là đi làm từ 7h sáng về nhà lúc 6h tối, cả ngày không ló mặt ra khỏi cơ quan thì mình chỉ bôi 1 lớp KCN thật dày vào đầu ngày. Còn nếu hôm nào phải ra nắng nhiều, mình chỉ sử dụng KCN mà không trang điểm thêm lớp nền (cũng may là KCN vật lý làm da mình sáng sủa hơn nên cũng đỡ ghê :P ), lúc cần bôi lại chỉ việc lau mồ hôi và bôi KCN như bình thường thôi

7. Chờ đủ thời gian để KCN phát huy tác dụng
Cho dù là KCN vật lý hay hóa học, bạn cũng nên chờ ít nhất 15ph sau khi bôi kem rồi mới ra nắng nhé. Tranh thủ lúc đó mình có thể sắp đồ, mặc quần áo, làm tóc cũng được mà

8. Dùng KCN dành riêng cho từng vùng da.
Đừng bao giờ dùng KCN cho body bôi lên mặt nhé, vì chúng thường có kết cấu nặng hơn và chứa nhiều dầu, sẽ làm bí da và sinh mụn đấy. Còn riêng vùng mắt, nếu bạn có KCN dành riêng cho mắt môi thì quá tốt, còn nếu không, 1 số loại KCN dạng sữa lỏng và ẩm vẫn có thể chấp nhận để bôi lên mắt được, nhưng đừng bôi sát mí mắt và tránh dính kem vào phần niêm mạc nhé

9. Bôi KCN đúng cách
Đó là VỖ nhẹ lên da. Miết sẽ làm xô lệch các lớp dưỡng da trước đó, còn xoa tròn sẽ làm dầu trong KCN tan vào dầu trong da (giống như khi ta xoa dầu tẩy trang), sẽ làm mất tác dụng của KCN

10. Chỉ số SPF không thể cộng dồn: Nếu bạn dùng 2 sản phẩm có SPF khác nhau, mức độ chịu nắng của da sẽ theo chỉ số SPF nào cao hơn, chứ không phải là tổng cộng của 2 loại đâu.



Không bao giờ là quá sớm để bảo vệ da trước các tác nhân có hại từ môi trường như ánh nắng, khói bụi...Chỉ cần các bạn chịu khó sử dụng kem chống nắng đầy đủ và thường xuyên, sau này sẽ không cần quá sốt sắng mua kem chống nhăn ;) Chắc chắn đây sẽ là một khoản đầu tư nhan sắc lâu dài và đáng giá về sau đấy.










xoxoxoxoxoxoxoxoxoxoxoxoxoxoxoxoxoxoxoxoxoxoxoxoxoxoxoxoxoxoxoxoxoxox

Bánh bèo phù phiếm

Email: banhbeophuphiem@gmail.com
Instagram: @banhbeophuphiem






You Might Also Like

0 nhận xét